Tin tức

Tưới tiết kiệm lan tỏa ở vùng đất khô hạn
Với hiệu quả mang lại từ tưới tiết kiệm trên cây trồng, nông dân tỉnh Bình Thuận ngày càng lan tỏa, mở rộng với diện tích áp dụng trên 21.548 ha.

Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, trên thực tế mùa mưa thường tập trung vào các tháng 8, 9, 10, trong khi đó lượng mưa trung bình năm lại thấp, chỉ đạt 1.024 mm. Trong khi đó tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn ít. Do vậy, hàng năm hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Hiện nay nhiều vườn thanh long tỉnh Bình Thuận được nông dân áp dụng rộng rãi tưới tiết kiệm.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cũng như thích ứng biến đổi khí hậu, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, hạn chế tình trạng thiếu nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển ổn định ngành kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành ở địa phương hết sức quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, ngoài linh động bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp để tránh các tác động bất lợi của thời tiết và thủy văn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng tình hình nắng hạn, tỉnh này còn chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, tính đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 21.548 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: nông – lộ – phơi, ướt khô xen kẽ cho cây lúa; tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn. Trong đó tưới cây trồng cạn 21.458 ha (trong đó cây thanh long chiếm 15.550 ha/29.272 ha) đạt 43,3% trên tổng diện tích cây trồng có áp dụng tưới tiết kiệm nước.
Theo nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng giúp tăng năng suất cây trồng 25%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 30%. Đặc biệt, lượng nước tiết kiệm từ 40-45% so với phương pháp tưới truyền thống.

Đối với áp dụng tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa) cho cây thanh long, ông Nguyễn Văn Hồng, một nông dân trồng thanh long, ở xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) cho biết, từ năm 2015 gia đình ông đã áp hình thức tưới này cho 1 ha thanh long. Từ đó đã giúp ông giải tỏa áp lực về nguồn tưới mỗi khi vào mùa khô hạn, bởi lượng nước tưới được tiết kiệm 40-50%. Không những thế ông còn giảm được nhiều chi phí về tiền mua rơm tủ gốc, tiền điện và công lao động (100 công).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0382 235 279